ĐÀ LẠT - THIÊN ĐƯỜNG DU LỊCH
Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 9.765 km2, là tỉnh có ngành du lịch – dịch vụ phát triển với tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn phong phú. Thành phố Đà Lạt - thủ phủ Lâm Đồng nằm trên độ cao 1.500m so với mặt nước biển, là thành phố được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi có khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 180C đến 250C. Với nhiều lợi thế thiên nhiên ban tặng và sức sáng tạo của con người cùng văn hóa bản địa đặc sắc Lâm Đồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Du khách từ khắp nơi tìm đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên và khám phá những nét văn hóa đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.
Là một vùng đất với trên 42 cộng đồng dân tộc sinh sống như: Kinh, K’ho, Mạ, Lạch, Nùng, Tày, Churu, Mnông, vv... Lâm Đồng có sự đa dạng màu sắc của văn hóa. Di sản văn hóa của các dân tộc bản địa như K’Ho, Mạ, Churu... đang được bảo tồn và là sản phẩm du lịch hấp dẫn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia (thắng cảnh du lịch; di tích kiến trúc; di tích lịch sử - văn hóa) bao gồm: Hồ Xuân Hương, Hồ Tuyền Lâm, Thác Datanla, Thác Cam Ly, Thung lũng Tình yêu, Thác Prenn, Thác Pongour, Núi Langbiang, Ga Đà Lạt., Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt , Vườn Quốc gia Cát Tiên...
Bên cạnh sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc sinh sống tại vùng đất này thì cần kể đến không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng. Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Chính vì lẽ đó, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là “Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”.
Một sản phẩm du lịch mới hấp dẫn là du lịch nông nghiệp, du khách được trải nghiệm cuộc sống của những người nông dân trồng rau, hoa, tìm hiểu về hoạt động sản xuất, canh tác và tham gia cùng gia đình người dân các hoạt động nông nghiệp. Ngoài ra khách du lịch còn được khám phá đời sống văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa.
Đặc điểm lịch sử của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã hình thành những làng nghề truyền thống độc đáo và đặc sắc . Làng nghề vừa là mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những điạ chỉ du lịch hấp dẫn. Các làng nghề như: Dệt thổ cẩm B’Neur C, dệt thổ cẩm K’Long, làng nghề làm nhẫn bạc Chu ru; các làng trồng hoa như làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành, Hà Đông; các nghề truyền thống như tranh thêu tay XQ, tranh chạm bút lửa...
Ngoài các lễ hội mang dáng vẻ của văn hóa bản địa thì Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung còn có các lễ hội đã trở thành thương hiệu như: Fetisval Hoa Đà Lạt, Lễ hội Văn hóa Trà, là nơi mà du khách gần xa có thể đến để sống và hòa mình trong những không gian hoa đầy màu sắc hay những đồi trà bạt ngàn thơ mộng – hai trong số vô vàng thứ quý giá mà thiên nhiên đã trao tặng cho vùng đất Đà Lạt – Lâm Đồng.
Lâm Đồng còn là nơi lưu giữ một kho báu lịch sử với Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.619 tấm với hơn 55 ngàn mặt khắc, chứa đựng nội dung của 152 đầu sách với 1.935 quyển phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn như: Lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa giáo dục, tôn giáo - tư tưởng- triết học, văn thơ, ngôn ngữ - văn tự đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới (Memory of the world).
Lâm Đồng hấp dẫn du khách bằng nhiều sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái... là nơi lý tưởng để tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch nghỉ dưỡng. Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng miền núi được xem là sản phẩm du lịch đặc thù và có sức hấp dẫn đặc biệt, các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với thiên nhiên: Tham quan hệ thống các hồ, thác, sông, suối,... tham gia các hoạt động du lịch dã ngoại, thể thao mạo hiểm: Leo núi, cắm trại, đua xe đạp địa hình, vượt thác, chơi golf; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch sinh thái rừng nguyên sinh... Với tính đa dạng sinh học, Đà Lạt trở thành“một thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”.
Đà Lạt – Lâm Đồng mang trong mình một di sản kiến trúc đặc sắc, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Những công trình kiến trúc: Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Nhà ga xe lửa, Trường Đại học Đà Lạt, Dinh Bảo Đại, Biệt điện Trần Lệ Xuân, Bảo tàng Lâm Đồng, Nhà hàng Thủy Tạ, Khu biệt thự cổ Cadasa. Trong đó Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) được công nhận là 1 trong 1.000 công trình kiến trúc độc đáo của thế kỷ XX.
Lâm Đồng hiện có 34 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí, phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí tạo nên sự đa dạng, phong phú đối với các tour, tuyến du lịch. Một số khu điểm du lịch tiêu biểu: Hồ Xuân Hương, Hồ Tuyền Lâm, Hồ Than Thở, Hồ Đankia – Suối Vàng, Thác Cam Ly, Thác Đatanla, Thác Prenn, Thác Voi, Thác Pongour, Thác Đamb’ri, Thung lũng Tình yêu, Núi Langbiang, Làng Du lịch Rừng Mađagui, KDL Sinh thái Núi Voi, Vườn hoa thành phố, Sân Golf Đà Lạt, KDL Trúc Lâm Viên, Khu du lịch làng Cù Lần, Sao Đà Lạt, Dinh I, III ....Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi có một trong hai khu vực đất ngập nước Ramsar duy nhất của Việt Nam (Bàu Sấu), là một trong 8 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam. Vườn Quốc gia BiDoup – Núi Bà là một trong 30 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các vườn quốc gia Việt Nam, được đánh giá là một trong 221 khu xem chim của thế giới, được các nhà khoa học đánh giá là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. LangBiang đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.
Đặc sản Đà Lạt đặc biệt hấp dẫn, phong phú về chủng loại được chọn làm quà sau mỗi chuyến du lịch: Trà, cà phê, các loạt mứt, đồ len, hàng thổ cẩm, tranh thêu… Một số địa chỉ uy tín như: Thương xá La Tulip; hệ thống các cửa hàng L’ang Farm, trà Olong Haiyih, Ngọc Duy, Vĩnh Tiến; cửa hàng cà phê Lễ Ký, Vĩnh Ích, Long Triều; showroom rượu Vang Đà Lạt, rượu vang Vĩnh Tiến.
Ẩm thực Đà Lạt phong phú với các món ăn đậm đà sắc vị của các vùng miền Việt Nam từ bánh cuốn Thanh Trì, Phở Bắc cho đến mì Quảng, bún bò Huế, cơm tấm, bún riêu... Bên cạnh đó, du khách sẽ được thưởng thức các món rau xanh hay các món ăn làm từ hoa – nét đặc trưng của thành phố hoa Đà Lạt mà hiếm nơi nào có được. Đặc biệt, các món ăn, đồ uống đường phố về đêm tại Đà Lạt rất hấp dẫn du khách và được đánh giá cao trong Guidebook do Lonely Planet phát hành. Trong cái khí trời se lạnh, một ly sữa đậu nành nóng hay một củ khoai nướng sẽ làm ấm lòng du khách khi đến với Đà Lạt. Du khách cũng có thể ngồi nhâm nhi tách cà phê nóng tại phố cà phê Đà Lạt dọc theo đường Nguyễn Chí Thanh, khu vực xung quanh Hồ Xuân Hương để ngắm nhìn đường phố Đà Lạt về đêm.
Với sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, độc đáo; văn hóa ẩm thực đa dạng; người Đà Lạt hiền hòa, thân thiện, mến khách; cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, Đà Lạt – Lâm Đồng đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng - Thiên đường du lịch.