CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ DU LỊCH HAPPY TRIP ĐÀ LẠT
HAPPY TRIP ĐÀ LẠT

ĐÀ LẠT ĐẸP HƠN BAO GIỜ

Đình Cừ Cao 10/08/2023

 

ĐÀ LẠT ĐẸP HƠN BAO GIỜ

HỒNG THANH

Tôi lập nghiệp ở Đà Lạt đến nay tròn ba mươi năm. Song, chừng ấy năm sống và làm việc liên quan đến văn chương, báo chí nên tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu các tư liệu lịch sử, văn hóa… về cùng đất, con người Đà Lạt. Và, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thành phố quê hương thứ hai. Có thể khẳng định, chưa bao giờ Đà Lạt đẹp, văn minh, hiện đại như bây giờ…  

Đà Lạt phải thích ứng

Những năm gần đây, bất cứ ai đến Đà Lạt đều ngỡ ngàng! Trong sự ngỡ ngàng ấy, chung quy có hai trạng thái biểu cảm: Một - vui mừng trước sự đổi thay của một thành phố với “thương hiệu” độc nhất vô nhị trên thế giới: “Thành phố 3 không” (không xích lô, không máy lạnh, không đèn xanh, đèn đỏ), để trở thành một đô thị khang trang, văn minh, hiện đại.

Ngược lại, một số người có tâm trạng luyến tiếc… Vì, những nét xưa, với “đường quanh co quyện gốc thông già”; “Người lưa thưa chìm dưới sương mù”… giờ đã trở thành hoài niệm!

Về quy hoạch Đà Lạt, trước nay đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học, bàn về xu thế phát triển của Đà Lạt; về chỉnh trang đô thị, nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông; giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Thanh lịch - Hiền hòa - Mến khách”…

Giữa tháng 3/2019, khi Đồ án về quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình – Thành phố Đà Lạt được tổ chức triển lãm, trưng cầu ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học… đã xuất hiện hai luồng quan điểm trái ngược nhau.

Và đầu năm 2021, để giải quyết tình trạng quá tải các phương tiện giao thông  của Đà Lạt, nhất là các dịp lễ, tết gây bức xúc trong nhân dân và du khách, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trương cải tạo, nâng cấp giao thông nội thị Đà Lạt; đặc biệt lắp đặt đèn tín hiệu giao thông trong nội thị Đà Lạt. Chủ trương này gắn với Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây còn là triển khai Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Chính phủ phê duyệt năm 2014.

Có lẽ ai cũng biết muốn xây dựng đô thị thông minh, giao thông đô thị phải thông minh! Song, việc lắp đèn tín hiệu giao thông tại Đà Lạt, khiến người dân và du khách đặc biệt quan tâm! Bên cạnh đa số đồng tình, ủng hộ; ngược lại có ý kiến cho rằng phải giữ gìn nét đặc trưng riêng có, là “hồn cốt”, là điểm “khác biệt” của Đà Lạt; phải giữ cho được thương hiệu “Thành phố ba không”...

Đà Lạt bây giờ đẹp hơn

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy:“Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”.

 Thấm nhuần tư tưởng của Người; đặc biệt, trước những “phiền phức”, bức xúc trong đời sống xã hội và trước yêu cầu phát triển của một thành phố thông minh, lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt trong việc chỉnh trang đô thị Đà Lạt. Đáng nói là cách làm, các bước tiến hành khá thận trọng. Trước khi chỉnh trang đô thị Đà Lạt, lãnh đạo tỉnh giao các ngành chức năng liên quan “trưng cầu” ý kiến nhân dân. Đồng thời, việc mở rộng các con đường, nhất là lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, không tiến hành “ồ ạt” mà triển khai “thử nghiệm” ở từng khu vực…

Có thể thấy, sau hai năm (2021 - 2022) đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thành phố Đà Lạt đã khoác lên mình bộ áo mới: Phố xá khang trang, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, 02 đợt “thử nghiệm” lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tình trạng ùn ứ các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt cơ bản đã được giải quyết.

Cùng chủ trương của tỉnh, lãnh đạo thành phố Đà Lạt những năm qua cũng đã tập trung triển khai hàng trăm công trình, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thành phố. Riêng giai đoạn 2020 - 2023, Đà Lạt đã triển khai 203 dự án, tổng nguồn ngân sách 1.696,55 tỷ đồng. Hàng loạt công trình xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường như: Trần Phú - Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Hồng Phong nối dài; dường Phạm Hồng Thái, đường Đankia; lắp đặt đèn trang trí bên bờ hồ Xuân Hương; xây dựng đường vành đai; mở rộng công viên Yersin, xây dựng công viên Trần Quốc Toản; nâng cấp, mở rộng đường đèo Prenn…

“Cái mới, cái hay, cái hợp lý…” không nhất thiết phải nói nhiều mà đã hiển thị trong đời sống xã hội. Điều đáng mừng là từ ngỡ ngàng, xa lạ, thậm chí không đồng tình của một bộ phận người dân, đến nay, dường như cư dân phố núi đều khá quen và chấp hành đèn tín hiệu giao thông một cách có ý thức. Người Đà Lạt đồng lòng, thừa nhận: Đà Lạt phải có đèn xanh, đèn đỏ!

Tôi tâm đắc câu nói: “Chỉ có thái độ chủ động đón nhận sự khác biệt trong quan điểm và luôn biết lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh nhận thức, mới là hành xử đúng đắn trong cuộc sống này!”. “Thước đo” muốn nói đến là hiệu quả của một chủ trương có tính “đột phá”, là xóa bỏ lối suy nghĩ không còn phù hợp trước yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Thật chí lý khi có ý kiến rằng: “Đèn xanh, đèn đỏ không làm mất đi văn hóa của người Đà Lạt”; hay “Người ta yêu Đà Lạt không phải vì danh hiệu thành phố không có đèn xanh, đèn đỏ”.

Ông Nguyễn Hữu Tranh sống lâu năm và có nhiều bài nghiên cứu về Đà Lạt, được mệnh danh “Nhà Đà Lạt học”, đã nói: “Đà Lạt giờ đã khác xưa như hai thế giới, không thể ôm giữ mãi quá khứ…”.

Quá khứ mà ông Tranh nói, đó là Đà Lạt của hơn một thế kỷ trước: Năm 1923, Đà Lạt chỉ có 1.500 người sinh sống, năm 1944 có 25.500 người… Hiện nay, dân số Đà Lạt gần 300.000 người; chưa kể mỗi ngày, Đà Lạt đón hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng, thực tế này, nếu Đà Lạt vẫn cứ “đường xưa lối cũ…” liệu có còn phù hợp?

Đà Lạt đã khác xưa, phố xá thênh thênh, hoa tươi nở thắm trên các con đường, tuyến phố….

Đà Lạt đã “bứt phá” để thích ứng và để lại dấu ấn của 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển…

 

Viết bình luận của bạn:
binh-luan

Hưng Thịnh Trả lời

10 August, 2023 08:53 PM

Trang thông tin rất hay, rất hữu ích! Nội dung rất có ý nghĩa

Giỏ hàng